Bạn cũng không tha
Từ ngày 9 - 11/7, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ đánh bạc, gá bạc và cưỡng đoạt tài sản. Phiên tòa dự kiến chỉ 2 ngày, nhưng mãi đến ngày hôm qua (16/7) tòa mới tuyên án. Đây là phiên tòa thu hút rất lớn dư luận cả nước. Những người tham gia đánh bạc bằng hình thức cờ tướng là cán bộ nhà nước.
Có ai ngờ rằng, ông Nguyễn Thanh Lèo (Sáu Lèo) - nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng, người được xem là giàu có của tỉnh; ông Trần Văn Tân - nguyên Giám đốc Trung tâm Sát hạch bằng lái xe hạng 3, hằng ngày chạy xe Audi đi làm, có trong tay hai quán nhậu; ông Đinh Văn Mười - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Sóc Trăng, sở hữu một căn biệt thự lớn - lại rủ nhau ra tòa về hành vi đánh bạc.
Người ta càng ngỡ ngàng hơn khi cả ba đều là những người bạn chơi với nhau từ thời còn học ở Trường Công nông tỉnh. Số tiền đánh bạc không dừng lại ở con số vài trăm ngàn mà hàng trăm triệu đồng/ván rồi nâng lên đến mức kỷ lục 5 tỷ đồng/ván; mà theo luật sư Hoàng Văn Quyết - bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hùng - cho rằng dù có thần kinh thép đến đâu đi nữa cũng không khỏi run sợ. Vậy mà các con bạc đánh xong rồi về, ngày hôm sau vẫn đi làm việc bình thường.
Đầu tiên Sáu Lèo đánh cờ ăn vé số với Trần Văn Tân, sau đó đánh ăn tiền. Từ tháng 8/2009 đến tháng 12/2011 bắt đầu đánh ăn tiền. Số tiền cứ nâng lên dần - từ 5 triệu, 50 triệu... đến 5 tỷ đồng/ván. Dù thua Tân, nhưng Sáu Lèo vẫn nài đánh cho bằng được. Tại phiên xét hỏi, vị chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Hồ Chí Bửu - hỏi: "Sao thua mà đánh hoài vậy?", Sáu Lèo trả lời rất tỉnh: "Không đánh không được vì số tiền thua bị Tân nhân lên nhiều lần, nên buộc phải đánh để mong gỡ lại".
Người thân của các bị cáo tại phiên tòa
Theo dõi vụ việc ngay từ đầu khi Sáu Lèo mới vừa bị bắt, chúng tôi không thể tin nổi con số ăn thua khủng khiếp đến như vậy. Về Bạc Liêu uống cà phê với ông Trần Trinh Đức - con trai "công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy - ông Đức lắc đầu: "Đánh ăn thua kiểu này, cha tui cũng chào thua".
Điều làm những người tham dự phiên tòa hết sức bất bình là hành vi dùng mọi thủ đoạn của ông Tân nhằm cưỡng đoạt tài sản của ông Sáu Lèo. Lẽ ra thấy bạn "nổi máu cờ bạc", Tân nên khuyên nhủ, không chơi nữa, đằng này Tân dùng mọi thủ đoạn để lấy cho bằng được số tiền mà Sáu Lèo đã thua mình. Hù dọa sẽ mách vợ (Sáu Lèo rất sợ vợ); vào cơ quan tìm, buộc gán nợ bằng những tài sản là đất đai nhà cửa; nhờ cha con Nguyễn Thanh Hùng (Hùng "cải lương"), Nguyễn Thanh Tuyền đòi nợ giùm... Đến mức Sáu Lèo không còn cách nào khác phải dối trên lừa dưới, lấy đất của cha mẹ, em ruột, người thân giao cho Tân.
Có tất cả 8 miếng đất và 2 căn nhà được gán nợ, với tổng giá trị lên đến 16 tỷ đồng. Vậy mà vẫn thiếu! Vẫn còn 20,15 tỷ đồng chưa trả được. Tại tòa, Trần Văn Tân thản nhiên: Bị cáo không cưỡng đoạt, bị cáo nhắn tin, điện thoại, nhờ người khác đòi giùm là mục đích để Lèo trả lại tiền cho bị cáo.
Đinh Văn Mười không thừa nhận đánh cờ ăn tiền với Sáu Lèo. Mười cho rằng mình chỉ đánh chơi. Do Lèo ghen ghét nên khai ra mình; cán bộ điều tra dụ cung, muốn sớm ra ngoài nên mới khai. Tuy nhiên, những người làm chứng và hồ sơ có trong vụ án được thẩm vấn tại tòa đều "phản" lại lời của Mười.
Các bị cáo tại toà (từ phải qua: Đinh Văn Mười, Nguyễn Thanh Lèo, Trần Văn Tân, Nguyễn Thanh Truyền, Nguyễn Thanh Hùng)
Những giọt nước mắt muộn màng
Chiều hôm qua (16/7), sau khi tòa tuyên án, ông Nguyễn Văn Rẫy - cha ruột của Nguyễn Thanh Lèo - thất thểu đi trước sân tòa. Ông không thể ngờ rằng con mình đánh cờ đến mức thua nhiều như vậy và phải ngồi tù vì hành vi đánh bạc của mình. Vợ Sáu Lèo khóc như mưa. Vợ ông Mười cũng khóc. Con gái và con dâu của Nguyễn Thanh Hùng gào khóc. Vợ ông Tân cũng khóc. Người thân của những "cán bộ đánh cờ" đều khóc. Những giọt nước mắt thương cảm hay tiếc nuối..., chẳng ai biết được.
Trước đó, tại tòa Nguyễn Thanh Lèo rất nhiều lần khóc ròng. Nói đến việc mình lừa gạt gia đình cần tiền làm ăn nên mượn đất sau đó gá cho Tân trừ nợ: Khóc. Không tiền trả nợ bị nhân số nợ lên: Khóc. Là gia đình cách mạng mà bị tù tội: Khóc...
Tự bào chữa cho hành vi phạm tội của mình, Nguyễn Thanh Lèo thừa nhận tất cả, không quanh co, chối tội. Lèo vừa khóc vừa nói: "14 tuổi đã thoát ly theo cách mạng. Là gia đình truyền thống cách mạng, nay vướng vào cờ bạc, bị cáo biết tội lỗi của mình. Bị cáo ăn năn lắm rồi. Hối hận lắm rồi. Mong tòa xem xét giảm án chớ tuyên như Viện Kiểm sát đề nghị (4 - 5 năm) là nặng lắm tòa ơi".
Những người ngồi ngoài phiên tòa cũng khóc. Không phải họ tiếc thương các "kỳ thủ" có một không hai này, mà vì những việc làm của cán bộ Sáu Lèo và Trần Văn Tân. Ông Nguyễn Văn Hùng - chủ lò giết mổ bị Trần Văn Tân chèn ép đến mức phải phá sản. Nguyên lò mổ của ông Tân xây dựng trên đất thuê của Thị đội Sóc Trăng với mục đích nuôi cá, trồng rau. Sau khi thuê, Trần Văn Tân cho xây dựng lò mổ trái phép. Dù thị đội nhiều lần đề nghị khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nhưng Trần Văn Tân không nghe.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn tranh chấp đất với Nguyễn Thanh Lèo từ năm 1980. Nguyên đất của cha mẹ anh để lại (có đầy đủ giấy tờ chứng minh) bị Sáu Lèo chiếm dụng xây cất biệt thự để ở. Gia đình anh Tuấn khiếu nại nhiều nơi, nhưng chưa được xem xét giải quyết. Gặp tôi tại tòa, anh Tuấn thở dài: "Bây giờ Sáu Lèo chẳng còn tài sản gì cả, nhà cũng thế chấp ngân hàng hết rồi làm chuyện khiếu nại của tôi dẫu có thắng cũng không thể lấy được đất".
Quá trình đánh cờ, Sáu Lèo mượn nợ nhiều nơi khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một người ở Cà Mau (xin được giấu tên) bị Sáu Lèo mượn 600 triệu đồng trước khi bị bắt, chua chát nói: "Lúc Sáu Lèo hỏi mượn nói để làm ăn, có ai ngờ đi đánh cờ ăn tiền thua sạch. Mấy đứa em kêu tôi nộp đơn ra tòa làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tôi không chịu. Thôi cho ổng luôn cho rồi, ra tòa mần chi thêm buồn".
Chưa bao giờ một vụ đánh bạc mà hệ lụy của nó nhiều đến thế. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói về vụ này với lời lẽ rất đau xót: "Chuyện tưởng như đùa, tưởng ở tây, ở Tàu gì đó, mà không ngờ nó xuất hiện tại tỉnh Sóc Trăng này". "Quan" đánh cờ tướng ăn tiền bất chấp tất cả được lấy làm ví dụ điển hình trong các lần học Nghị quyết 04 và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tôi lại có cách nghĩ khác. Chẳng ai dạy cán bộ, đảng viên sai phạm cả. Cụ thể chẳng có tổ chức chính trị, xã hội nào dạy cán bộ đánh cờ ăn thua tiền tỷ như vậy. Chính họ tha hóa đạo đức, lối sống, xa rời quần chúng mới như vậy. Tôi tin, đây chỉ là trường hợp cá biệt tại Sóc Trăng.
Đăng nhận xét